CHIA SẺ

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

CÁCH CHĂM SÓC CÂY VÚ SỮA BẮC THẢO

Trồng và chăm sóc Cây Vú Sữa Tím Bắc Thảo không khó, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật như đắp mô cao ráo để tránh úng ngập, đất phải tơi xốp, nước tưới đầy đủ, trồng thưa, chỗ trảng nắng, bón phân đúng kỹ thuật, thường xuyên tỉa cành tạo tán… cây sẽ sinh trưởng phát triển nhanh, sớm cho trái với hiệu quả kinh tế cao.


Cách chăm sóc Cây Vú Sữa Bắc Thảo

Chăm sóc cây từ 0-3 năm tuổi
Tưới nước và giữ ẩm: Giai đoạn ngay sau khi mới trồng cây con còn yếu cần chú ý chăm sóc, chú ý tưới nước thường xuyên mỗi tuần từ 3-5 lần, mỗi lần tưới 20 – 30 lít nước/cây nhất là vào mùa nắng. Nên giữ mực nước trong mương cách mặt luống ít nhất 40 cm. Bà con dùng rơm tủ gốc để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Đồng thời cần làm cỏ để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng, nên cắt bớt cỏ trong vườn, hạn chế dùng thuốc diệt cỏ trong Vườn Cây Ăn Trái.

Bón phân: Sau khi trồng đến một năm Bà con sử dụng 70–80ml Greenfield 555 tưới gốc + 20g Urê, hoà phân vào nước để tưới, mỗi tháng nên bón phân 1 lần. Đối với Cây Vú Sữa từ 1 – 3 năm tuổi, Bà con cần bón 1–2 kg hỗn hợp gồm Urê, Greenfield 555, NPK 16–16–8 (hoặc 20 – 20 – 15), với tỉ lệ 1:3:1; chia làm 4 lần bón trong năm, lượng phân bón tăng dần theo độ lớn của cây (năm đầu dùng 1kg phân, sau đó tăng dần).

Tỉa cành tạo tán: Trong ba năm đầu nên tỉa cành để Cây Vú Sữa có cành phân bố theo 4 hướng, tạo cho cây có tán tròn đều. Bà con chú ý tỉa bỏ cành vượt, cành trong tán cây, cành bị sâu bệnh.

Chăm sóc cây từ 3 năm tuổi trở lên


Chăm sóc Cây Vú Sữa Bắc Thảo từ 3 năm tuổi trở lên

Giai đoạn này cây đã phát triển ổn định và bắt đầu cho trái, ngoài những công việc chăm sóc như giai đoạn trước như làm cỏ, tưới nước, giữ ẩm, tỉa cành tạo tán… thì Cây Vú Sữa Bắc Thảo cần lượng dinh dưỡng cao để nuôi cây, nuôi trái. Bà con cần lưu ý kỹ thuật chăm sóc đặc biệt hơn như sau:

Bồi bùn cho cây: Hàng năm, Bà con cần thường xuyên bồi bùn vào mô trồng, nên phơi khô bùn sau khi vét mương rồi sau đó bồi vào mô. Nếu Vườn Cây Vú Sữa chưa có hệ thống đê bao ngăn lũ thì phải bố trí hệ thống thoát nước tốt vì Cây Vú Sữa không chịu được ngập úng.

Đối với cây quá già cỗi: Cây cho lá nhỏ, trái nhỏ, chậm ra nhánh mới; để trẻ hóa Vườn Cây Vú Sữa này cần cưa bỏ từ 30–60% số cành để cây phát triển cành mới, số cành mới phát triển sẽ cho trái lớn hơn, tốt hơn vào các vụ sau. Lưu ý quan sát và phòng trừ sâu hại cho cành mới, cành này có khả năng cho trái sau 12 – 18 tháng.

Bón phân cho Vú Sữa Bắc Thảo


Bón phân cho Vú Sữa Bắc Thảo

Từ năm thứ tư sau khi trồng, Cây Vú Sữa bắt đầu cho trái. Bà con cần bón 2 – 3 kg hỗn hợp gồm Urê, DAP, NPK 16 – 16 – 8 (hoặc 20 – 20 – 15), với tỉ lệ 1:1:1; chia làm 4 lần bón trong năm bón vào lúc cây ra hoa, đậu trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1 – 2 tháng. Lượng phân bón trên áp dụng cho cây 4 – 5 năm tuổi.

Từ năm thứ 5 trở đi, cây bước sang giai đoạn cho trái ổn định, và cũng là bắt đầu giai đoạn kinh doanh. Bà con cũng bón 4 lần như trước với liều lượng phân bón tăng dần theo tuổi cây từ 6 năm đến trên 20 năm.

Lần 1 lúc ra hoa bón 5–10 kg phân hữu cơ hoai/cây và 3 – 6 kg gồm NPK (20 – 20 – 15 hoặc 16 – 16 – 8), Urê và phân lân theo tỉ lệ 1/1/1. Lần 2 từ lúc đậu trái lúc trái bằng nút áo với lượng 2 – 4 kg phân/cây gồm Urê và DAP theo tỉ lệ 2/1. Lần 3 giai đoạn nuôi trái, lúc trái có đường kính khoảng 2cm, với 2 – 3 kg phân NPK/cây (dạng phân như nói trên). Lần 4 giai đoạn trước thu hoạch 1 – 2 tháng với liều lượng 1 – 2 kg phân NPK/cây. Các lần bón phân cách nhau từ 2,5 – 3 tháng.

Phương pháp bón: Trước khi bón phân, Bà con nên tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu phủ gốc rồi bón lên mặt luống hoặc xới rãnh sâu 5-10 cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh. Sau khi bón phân nên che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan vào đất.